CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG vừa được chấp thuận giao dịch 69 triệu cổ phiếu trên hệ thống UpCOM từ ngày 6/6, mã chứng khoán SIP. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.200 đồng/cp, biên độ dao động ngày chào sàn là ±40%, tổng giá trị định mức xấp xỉ 1.187 tỷ đồng, tương đương 52 triệu USD.
Được biết, Sài Gòn VRG là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), được thành lập năm 2007. Tính đến hiện tại, vốn cổ phần Công ty đạt 690,5 tỷ đồng, với 81,32% tỷ trong nằm trong tay các cổ đông lớn bao gồm 3 tổ chức Tập đoàn Cao su (GVR - nắm 17% vốn), KCN Nam Tân Uyên (NTC, nắm 11% vốn), Đầu tư & Phát triển Đô thị An Lộc (nắm 13% vốn); cùng 4 các nhân là lãnh đạo chủ chốt.
Hiện, Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư, cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan.
Công ty con liên tục "thu mua" cổ phiếu của Tập đoàn Cao su
Đáng chú ý, trong số các công ty con Saigon VRG, bao gồm CTCP Xây dựng Incontec, vốn điều lệ 215 tỷ với tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ lên đến 99,91% vốn. Incontec chuyên xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, thành lập vào năm 2003 tại Củ Chi, Tp.HCM. Thời gian gần đây, Incontec liên tục có động thái "gom" cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghệ Cao su – đồng thời là cổ đông lớn của Saigon VRG.
Kể từ đợt IPO không mấy thắng lợi của GVR năm ngoái, Incontec bắt đầu mua vào cổ phiếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su trung tuần tháng 7/2018. Tính đến hiện tại, Incontec đã thực hiện liên tiếp 8 lần "gom" hàng với khối lượng mua thêm bình quân 1 triệu đơn vị mỗi lần giao dịch, tăng từ mức 15 triệu cổ (thời điểm 11/7/2018) lên gần 25 triệu cổ tính đến ngày 10/5/2019. Đi cùng với động thái trên, cổ phiếu GVR cũng tăng đáng kể, gần 1 năm qua tăng 44% thị giá từ mức 8.000 đồng/cp lên 11.500 đồng/cp (chốt phiên 3/6/2019). Thông tin đáng chú ý tại GVR, Tập đoàn đang triển khai thủ tục để chính thức niêm yết trên HoSE, kế hoạch này sẽ được báo cáo cổ đông tại ĐHĐCĐ sắp tới.
Tăng trưởng đều đặn với tỷ lệ hơn 25%/năm, 2019 đặt kế hoạch đi lùi
Trở lại với Saigon VRG, Công ty bắt đầu có doanh thu từ đầu năm 2010 khi dự án đầu tiên Khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động và sau đó đến 6/2010 là dự án Khu công nghiệp Phước Đông.
Những năm trở lại đây, Saigon VRG liên tục tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận với mức tăng đều đặn hàng năm, vào mức 26%. Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần SIP tăng 26% lên mức 3.239 tỷ đồng nhờ tập trung cho thuê đất, bán điện, nước. Lợi nhuận sau thuế thu về 249 tỷ đồng, tăng 34%, tương ứng EPS 3.600 đồng. Với kết quả trên, năm 2017 Saigon VRG chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 17%, năm 2018 tăng lên 18%.
Đặt kế hoạch cho năm 2019, Saigon VRG dự kiến doanh thu giảm 7% xuống 3.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đồng thuận giảm với mức giảm hơn 19%, chỉ còn 200 tỷ đồng. Công ty dự kiến hoạt động sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2020 với doanh thu kỳ vọng 3.100 tỷ đồng (tăng hơn 3%) và lãi ròng 210 tỷ đồng (tăng 5%). Cổ tức 2019-2020 dự kiến đi ngang ở mức 15%, giảm so với giai đoạn trước đó, Saigon VRG cũng không có kế hoạch tăng vốn trong 2 năm tới.
Được biết, chỉ tiêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở tình hình kinh tế dự báo khó khăn, đồng thời định hướng của Saigon VRG thời gian tới sẽ tập trung tại hai mảng Xây lắp và Đầu tư phát triển.
Riêng quý đầu năm nay, Saigon VRG đạt 605 tỷ doanh thu, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được hơn 20% chỉ tiêu doanh thu và 22,5% chỉ tiêu lãi sau thuế.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản Công ty đạt 11.622 tỷ đồng, tăng ngàn tỷ so với đầu kỳ, trong đó giá trị tài sản cố định hữu hình ghi nhận hơn 415 tỷ nguyên giá, giá trị còn lại 252 tỷ với tỷ lệ khấu hao hơn 40%. Nợ ngắn hạn cuối quý 1 vào mức 3.758 tỷ, tăng chủ yếu do khách hàng thanh toán trước, nợ dài hạn khoảng 6.554 tỷ đồng, tăng chủ yếu bởi doanh thu chưa ghi nhận.
Có trong tay hơn 3.700ha đất KCN, giá trị thương mại lên đến 1,15 tỷ USD
Là đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực KCN, thế mạnh hiện nay của SIP chính là hưởng lợi từ lĩnh vực này, ghi nhận đến hiện tại KCN đã thu hút được 8.500 dự án đầu tư trong ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 80 tỷ USD, trong đó vốn ngoại hơn 59 tỷ, chiếm đến 35-40% FDI cả nước. Định hướng đến năm 2020, tổng diện tích các KCN sẽ đạt 80.000 ha, trong đó khu vực Tp.HCM đóng góp đến 3.500 ha tỷ lệ lấp đầy hầu hết từ 60-100%.
Với SIP, các dự án tập trung tại những khu vực trọng điểm phía nam như Bình Dương, Tp.HCM, Tây Ninh. Các KCN hiện nay của SIP đều được đầu tư trên 10 năm, diện tích thương mại được lấp đầy với giá cho thuê tương đối cao so với mặt bằng ngành. 2 KCN của Công ty hiện nay bao gồm:
(1) KCN Đông Nam có tổng diện tích 342ha với diện tích thương mại gần 200ha, phần dành cho KCN là 286,76ha và phần dành cho khu dân cư là 55,77ha. Hiện tỷ lệ lấp đầy là 72% phần diện tích thương mại (khoảng 144ha), với giá cho thuê vào mức 60-65 USD/m2 cho vị trí đắc địa Bình Dương – Tp.HCM, tổng giá trị kinh doanh KCN Đông Nam đạt đến 120-130 triệu USD, tương đương 2.760-3.000 tỷ đồng.
(2) Dự án KCN Phước Đông có tổng quy mô 2.838ha. Trong đó phần dành cho KCN là 2.190ha (giai đoạn 1 là 1.096ha và giai đoạn 2 là 1.094ha). Phần diện tích thương mại 1.524ha và hiện lấp đầy 92% với giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án có vị trí chiến lược tại trung tâm tỉnh Tây Ninh, điểm nối giữa TP HCM và Phnom Pênh. Với giá thuê 32-35 USD/m2, tổng giá trị kinh doanh KCN này vào khoảng 488-533 triệu USD, tương đương 11.215 – 12.265 tỷ đồng.
Ngoài ra, Saigon VRG còn đầu tư 2 dự khác khác là Lê Minh Xuân 3 (tổng diện tích thương mại 220ha) và Lộc An – Bình Sơn (tổng diện tích thương mại 336,05ha). Trong đó, dự án Lê Minh Xuân có mức giá thuê rất cao lên đến 130/USD/m2/thời hạn thuê, tương ứng tổng giá trị kinh doanh là 6.578 tỷ đồng, dự án bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ cuối 2014 và dự kiến hoàn tất vào tháng 12/2019. Tại Lộc An – Bình Sơn, mức giá thuê đạt 55-60/USD/m2/thời hạn thuê, tương ứng tổng giá trị kinh doanh là 4.255-4.637,5 tỷ đồng, dự án đã xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ quý 3/2010, dự kiến hoàn tất vào quý 4/2020.